Một số đơn vị sở hữu bản quyền cho biết họ còn lúng túng chưa biết chu trình xử lý ra sao khi phát hiện ra mình bị vi phạm bản quyền trên mạng. Do đó, phải thống nhất một quy trình xử lý nhanh và đồng bộ khi phát hiện ra vi phạm bản quyền.
Tại cuộc họp chiều ngày 22/6/2017 giữa Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) với đại diện các nhà mạng, một số nhà cung cấp dịch vụ nội dung, đơn vị truyền hình để trao đổi về thực trạng cũng như tìm một lộ trình để giải quyết nạn vi phạm bản quyền trên Internet, đại diện một số đơn vị sở hữu bản quyền đã nêu ra một số khó khăn, lúng túng trong việc đề nghị cơ quan nhà nước hay nhà mạng can thiệp xử lý vi phạm bản quyền. Các đơn vị này đề nghị cần có một quy trình xử lý khi các chủ sở hữu phát hiện ra mình bị vi phạm bản quyền.
Theo đại diện của VTV, thời gian qua nạn vi phạm bản quyền diễn ra nghiêm trọng, cả trên hệ thống của VTVcab cũng như VTV. Chỉ cần làm một động tác nhỏ là thấy hàng chục trang mạng vi phạm bản quyền bằng nhiều hình thức khác nhau như lấy trực tiếp, chèn quảng cáo, cắt clip. Mặc dù đã có chứng cứ rõ ràng nhưng việc gửi các cơ quan chức năng hay các nhà mạng để có hành động xử lý còn nhiều khó khăn, thường là rất chậm.
Theo vị đại diện này, tới đây VTV sẽ có động tháiMmạnh mẽ hơn đối với các đơn vị vi phạm bản quyền. Cụ thể, sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ TT&TT để đưa một số đơn vị ra xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể khởi kiện ra tòa án dân sự. Đối một số trang mạng nước ngoài vi phạm VTV tính đến việc thuê luật sư nước ngoài để khởi kiện.
Theo vị đại diện này, các đơn vị sở hữu bản quyền rất muốn cơ quan nhà nước có một quy trình xử lý vi phạm sao cho hiệu quả nhất, gây ít thiệt hại nhất trong doanh nghiệp. Quy trình này rất quan trọng, bởi hiện tại các đơn vị khi bị vi phạm rất bối rối, không biết các bước giải quyết bắt đầu từ đâu. Ví dụ, như Facebook và YouTube họ có quy trình rõ ràng, khi phát hiện ra đơn vị vi phạm, mình chỉ cần thông báo cho họ, họ kiểm tra nếu xác định đúng đối tượng vi phạm sẽ xử lý rất nhanh.
Ông Bùi Huy Năm, Phó Tổng giám đốc VTVcab cũng chia sẻ về những khó khăn của VTVcab trong cuộc đấu tranh với vi phạm bản quyền trên Internet từ năm 2016 tới nay. Vi phạm bản quyền trên Internet rất dễ phát hiện, mặc dù VTVcab đã nỗ lực nhưng kết quả thu được không nhiều. Ông Năm đề nghị, phải có một chu trình giải quyết vi phạm bản quyền, ví dụ khi các đơn vị sở hữu trí tuệ, sở hữu bản quyền cung cấp chứng cứ vi phạm cho Cục PTTH&TTĐT thì Cục ra văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông làm theo, Cục phải xây dựng những điều luật sửa đổi để chế tài xử lý mạnh hơn. VTVcab đề nghị trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải tiến hành thu hồi tên miền lập tức.
Trong thời gian qua, VTVcab đã hai lần bị mất quyền phát sóng hai giải đấu Cúp C1 và Cúp C3 vì bị các trang mạng và báo điện tử vi phạm bản quyền. Có đơn vị báo chí tên tuổi, VTVcab gửi văn bản thông báo đến lần thứ 4 họ cũng không phản ứng gì và tiếp tục vi phạm.
Các hình phạt, mức phạt hành chính hiện nay quá nhẹ so với những gì người vi phạm bản quyền được hưởng lợi. Có những doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để rồi lại tiếp tục vi phạm nên ông Năm cũng đề nghị tăng nặng mức phạt để tăng tính răn đe.
Chia sẻ kinh nghiệm xử lý vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc, đại diện cơ quan quản lý bản quyền Hàn Quốc (KACC) cho hay, ở Hàn Quốc khi bất cứ bên bị vi phạm thông báo thì cơ quan nhà nước nhanh chóng yêu cầu đơn vị vi phạm gỡ bỏ, rất rõ ràng và nhanh chóng. Chủ sở hữu còn được quyền yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin về đơn vị vi phạm, nếu nhà mạng cố tình không cung cấp họ sẽ báo lên cơ quan quản lý nhà nước. Ở Việt Nam cũng nên ban hành luật để quy định cho các ISP có trách nhiệm như ở Hàn Quốc.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng biện pháp về kỹ thuật như thu hồi tên miền hay yêu cầu các ISP dừng hợp đồng cần được xem xét áp dụng.
Theo bà Phan Cẩm Tú, đại diện cho Liên minh bảo vệ bản quyền của Việt Nam, khó khăn trong giải quyết nạn vi phạm bản quyền ở Việt Nam không phải là việc mới. Trên thực tế các chủ sở hữu quyền rất vất vả trong việc bảo vệ bản quyền của mình. Bà Tú cho rằng, một mặt các chủ sở hữu quyền cần tích cực hơn để giúp các cơ quan có thẩm quyền rút gọn thời gian tìm kiếm người vi phạm. Trong bối cảnh có quá nhiều vị phạm thì vi phạm nào rõ rệt nhất cần được xử lý trước. Việc cắt hợp đồng cho thuê server, máy chủ hay thu hồi tên miền là một biện pháp có thể áp dụng ngay được, nhưng cần phải có sự thống nhất và đồng bộ để tránh tình trạng nhà mạng này cắt dịch vụ thì người vi phạm lại chạy sang nhà mạng khác thuê ngay được.
Bà Tú đề nghị, các nhà mạng và các đơn vị sở hữu bản quyền nội dung cần sớm thống nhất một quy trình xử lý đồng bộ, nhanh, có thể tính tới việc ký một biên bản ghi nhớ để cùng nhau giải quyết nạn vi phạm bản quyền.
Nguồn ICTNews
Chưa có quy trình giải quyết nạn vi phạm bản quyền trên Internet
Bài viết liên quan: